Di tích khảo cổ học Sa Huỳnh phân bố trên dải cồn cát dọc bờ biển Sa Huỳnh gồm có 3 điểm: Gò Ma Vương (gò Giò Gà), Phú Khương (xã Phổ Khánh), gò Thạnh Đức (xã Phổ Thạnh) huyện Đức Phổ, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về hướng Nam.
Di tích này được nhà khảo cổ người Pháp tên là Vinet phát hiện lần đầu vào năm 1909. Đây là khu mộ chum lớn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách nay trên 2.500 - 3.000 năm. Các quan tài chum gốm có dạng hình trứng và hình trụ cao gần 1m được chôn dày đặc. Bên trong chum chứa nhiều đồ tùy táng, bao gồm: Các loại lục lạc, vòng tay, dao, rựa cuốc, thuổng... bằng sắt, hạt chuỗi mã não, đá ngọc, hạt chuỗi thủy tinh, khuyên tai... và nhiều đồ gốm như nồi, bát bồng, bình... được trang trí bằng các loại hoa văn và ánh chì. Đến nay, Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và 7 lần đào thám sát, khai quật lớn, mà tiêu biểu nhất là cuộc khai quật năm 1978 do Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành, đã thu được 114 hiện vật với các chất liệu như: Gốm, đá, xương, sắt. Những hiện vật này đã đem lại một cách nhìn mới, nhận thức mới về sự hình thành, phát sinh và phát triển của văn hóa Sa Huỳnh.
Hiện nay, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh đã được xây dựng và đi vào hoạt động, trưng bày, giới thiệu các hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Sa Huỳnh.