Đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải là hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là hai trong những ngôi đình được xây dựng sớm nhất và được bảo tồn còn tương đối nguyên vẹn của tỉnh Quảng Ngãi, có giá trị lịch sử và tâm linh rất đặc biệt đối với người dân Lý Sơn. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cũng như các lễ tế đình, các lễ hội truyền thống của người Việt trên đảo Lý Sơn, mà nơi đây còn có giá trị đặc biệt trong việc bảo tồn các tài liệu văn bản cổ, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam. Hằng năm vào Tết Nguyên tiêu, nhân dân hai xã An Vĩnh và An Hải đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng, thu hút rất đông du khách đến tham gia.
Đình làng An Vĩnh được xây dựng từ thế kỷ 18 và đến nay đã được trùng tu nhiều lần, có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị tiền hiền, cai đội, người lính hải đội Hoàng sa hàng trăm năm trước.
Đình làng An Hải được xây dựng từ năm đầu thế kỷ XIX, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn được phản ánh qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, bề mặt vì kèo, cột chống, đỉnh cửa…. và kỹ thuật đắp nổi, tạc tượng tinh xảo ở ô trang trí cổ diêm đình thượng, mái bờ mặt tiền. Trong đình còn phối thờ Thiên - Y - A - Na, chúa Ngung Man Nương và các tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng của làng, thể hiện sự dung hòa các mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong lòng văn hóa Đại Việt.